Những món chả, giò nổi tiếng từ Bắc vào Nam
Nếu miền Bắc nổi tiếng với chả nhái, chả rươi, chả mực, thì miền Trung tạo ấn tượng với giò me, chả bò, chả cá thu…, miền Nam có chả cá thác lác, chả cá ba sa.
Chả nhái: Là sản phẩm chắt lọc từ phần thịt ít ỏi của con vật chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái một chút, chả nhái có cách làm cầu kỳ, công phu. Bù lại, ai từng thưởng thức chả nhái sẽ
không thể quên vị thơm ngon đặc biệt của chả, hương thơm của lá chanh, chua ngọt của nước mắm chấm kèm. Ảnh: Mask
Chả rươi: Nguyên liệu hay các công đoạn làm chả rươi luôn ám ảnh các du khách nước ngoài. Song nếu "khuất mắt trông coi", thì khi được mời thưởng thức chả rươi, hầu hết du
khách đều "bồ kết" vị thơm ngon của chả, thanh thanh của củ sắn, thơm nhẹ của rau. Ảnh: An Huỳnh
Chả mực: Là một trong những đặc sản của Hạ Long, chả mực hấp dẫn thực khách với những miếng chả vàng ươm, thơm ngọt, đậm đà. Ảnh: Khám phá
Chả cá Lã Vọng: Được gọi là chả, song chả cá Lã Vọng không có các bước chế biến như nạo/xay cá, trộn bột và gia vị rồi đem chiên hay hấp mà cá lăng xắt khối vừa ăn, nướng than.
Món chả này có cả một list các món ăn kèm như bún, rau sống, bánh tráng nướng, đầu hàng hoa ngâm dấm, chanh… Ảnh: An Huỳnh
Giò me: Những người chưa rành hay chưa biết về loại chả/giò này, khi nghe tên, thường mặc định là đây là món chả/giò làm từ me và ngại chua, lạ bụng, khó ăn. Thật ra, từ me ở
đây có nghĩa là bê, theo tiếng Nghệ An. Giò me hút thực khách với những khối thịt bê đỏ hồng, tươi ngon cùng lớp mỡ bê dậy mùi, béo ngậy. Ảnh: Zingme
Chả cua: Chả cua là đặc sản nổi tiếng của Huế. Cách làm món chả này là lấy thịt cua trộn với giò sống, xay nhuyễn. Công thức đơn giản nên hàng quán hay các thương hiệu thường
chọn cho mình cách phối hay pha gia vị theo tỷ lệ riêng để tạo điểm nhấn. Ảnh: Khểnh
Giò bò: Nhắc đến giò bò, người ta nhớ đến Đà Nẵng, nơi sản sinh ra món ăn này cũng là nơi có món giò bò ngon nhất. Được làm từ thịt bò ngon, giò bò có màu đậm đặc trưng, dai
chắc, mềm ngọt. Ảnh: cabongsongtra.com
Chả cá thu: Nhắc đến chả cá thu người ta nghĩ ngay đến các thành phố ven biển như Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang… Làm từ loại cá săn chắc, thơm ngon, ít tanh, chả cá thu dù
hấp hay chiên vẫn làm hài lòng thực khách với độ săn chắc, dai mịn. Ảnh: An Huỳnh
Chả nhum: Chả nhum có cách chế biến khá đơn giản. Nhum bỏ bớt gai, bổ đôi, bỏ lòng, lấy phần múi bám trên thân, đánh đều với trứng và gia vị, rồi chiên chín với dầu, món chả
nhum đã sẵn sàng cho bạn thưởng thức. Phương pháp chế biến không cầu kỳ, song chả nhum có hương và vị khiến bạn nhớ mãi. Ảnh: Cuong85
Chả cá thác lác: Chả có cách chế biến đơn giản nhất với các thao tác như, chẻ đôi mình cá, dùng muỗng cạo lấy phần thịt, nêm nếm gia vị, ít hành lá. Song để cá có thể "trở mình"
thành chả, người chế biến phải dùng chày hay muỗng lớn, quết cá thật nhuyễn. Chả cá thác lác có thể chiên, hấp, nướng, nấu lẩu… Ảnh: Làm Sao
Chả cá basa: Chả của loại cá da trơn này khá thông dụng ở miền Nam. Tại Sài Gòn, món bánh mì chả cá basa ăn kèm rau răm và tương ớt luôn có sức hút nhất định là luôn khiến
thực khách “đói bụng” khi đi ngang những chảo dầu bốc khói. Ảnh: An Huỳnh
Chả lụa: Chả lụa hay giò lụa là một trong những món chả quen thuộc của người dân ba miền. Hiện món chả này không chỉ xuất hiện trong các dịp cúng, giỗ hay tiệc tùng mà gần như
được xem là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Ảnh: Làm Sao
Giò thủ: Cũng như chả lụa, chả thủ hay giò thủ cũng dần được nhiều gia đình sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Xzone
(Theo Zing)