Những món ăn ngon của đất Hưng Yên
Hưng Yên nổi tiếng gần xa với những món ngon từ dân dã như bún thang lươn, canh cá rô, chả gà…đến những món tiến vua như nhãn lồng, chè sen long nhãn, tương bần…
Bún thang lươn
Nhắc đến đặc sản Phố Hiến, phải nói đến bún thang lươn. Khác với Hà Nội, bún thang của người Hưng Yên còn có thêm lươn rất lạ miệng.
Bát bún như một thang thuốc quý bồi bổ cho sức khỏe và như bức tranh nghệ thuật sống động với đủ màu sắc của bún, lươn, trứng, giò, hành, răm… Người thưởng thức ẩm thực sành điệu sẽ tấm tắc khi cảm nhận vị ngọt đậm đà của nước dùng.
Bánh răng bừa
Bánh răng bừa còn được gọi là bánh lá hay bánh tẻ. Nó được làm từ bột gạo dẻo, giòn. Đây là loại bánh truyền thống để cúng vào ngày rằm, ngày giỗ và Tết Nguyên đán.
Bánh răng bừa là tên thường gọi ở thôn Bến, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Loại bánh này có từ xa xưa. Cái tên xuất xứ là do hình dáng giống cái răng bừa vẫn dùng để bừa ruộng.
Để có chiếc bánh ngon phải kén gạo ngon từ lúa trồng trên đất làng Phụng Công, giống gạo thơm nức, dẻo, ngọt.
Bánh răng bừa Phụng Công khi bóc ra rất ráo, không dính tay, khi ăn có thể chấm với tương ớt, nước mắm ngon hay tương... tùy ý thích và khẩu vị từng người. Cắn miếng bánh thấy giòn nhưng lại dai, cái đặc biệt mà các loại bánh tẻ khác không có được. Mùi gạo tẻ đưa lên thơm mùi cơm mới, cái thơm của hành, ngọt của thịt, giòn của mộc nhĩ lan rất nhanh.
Bánh khúc
Người Hưng Yên thật tài tình khi kết hợp giữa những sản vật miền quê như lá chuối, rau khúc và gạo nếp để tạo ra một loại bánh giản dị, thơm ngon. Được thưởng thức chiếc bánh khúc còn nóng hổi trong một chiều đông giá rét mới hiểu thấu đáo về sự tài tình đó!
Nhiều người nhầm tưởng bánh khúc là xôi khúc (xôi cúc) – thứ quà sáng quen thuộc vẫn thường thấy nhiều trên thành phố. Xôi khúc chỉ có một chút lá khúc ở nhân còn bánh khúc lại hoàn toàn sử dụng lá khúc để làm ruột bánh.
Rau khúc không phải do người dân Hưng Yên mà tự mọc rất nhiều ngoài đê, ngoài bờ ruộng. Những lá tươi non được hái về, bỏ cọng úa xơ, rửa sạch rồi và đem ra giã cho thật nhuyễn. Trước đây, người ta dùng cối đá để giã lá khúc chứ không phải dùng máy xay như bây giờ. Có lẽ vì sự kỳ công đó khiến bánh khúc có hương vị riêng như vậy.
Cá mòi
Cá mòi chỉ có vào tháng 2 và 3 âm lịch. Người Hưng Yên rất tự hào với đặc sản cá mòi. Dù đi làm xa hay khách ẩm thực ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng hai, tháng ba âm lịch hàng năm lại tìm về Hưng Yên để được thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này.
Chả gà
Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến một món ăn đậm đà hương quê - chả gà Tiểu Quan. Gắp miếng chả gà giòn thơm, nhấp thêm chút rượu cay thực khách sẽ không quên món ăn dân dã này.
Canh cá rô
Bên cạnh bún thang lươn. người Hưng Yên còn tự hào bởi đặc sản canh cá rô, một món ăn đậm chất hương đồng gió nội khác của mảnh đất trù phú. Canh cá rô Hưng Yên là canh cá ngọt, được ăn cùng rau cải trần.
Cá được chế biến từ những con cá rô nhỏ chỉ hơn đầu đũa một chút. Dù nhỏ thế vẫn phải nấu chín, cũng tỷ mỷ gỡ xương từng con, rồi được lọc sạch sẽ, tẩm ướp gia vị cẩn thận rồi đem chao dầu cho săn thịt lại, óng vàng sắc nghệ.
Cá rô đồng đã nổi tiếng thơm ngon, cách chế biến lại kì công như vậy nên càng ngọt thịt, đậm đà. Canh cá rô được ăn cùng bánh đa Hưng Yên chính hiệu và đậu phụ rán vàng giòn.
Ếch om
"Đi thì nhớ vợ cùng con/ Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường". Những chú “gà đồng” này có thể dùng để chế biến thành hai món là ếch om và ếch mọc. Nhưng món ếch om mới ngon và làm nên thương hiệu ở Hưng Yên.
Nhãn lồng
Cùng với tương Bần, nhãn lồng trở thành niềm kiêu hãnh của mảnh đất Hưng Yên. Tháng 7-8 đang là mùa nhãn lồng Hưng Yên chín rộ.
Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai.
Chè sen long nhãn
Chè sen long nhãn phố Hiến (Hưng Yên) thường được vua chúa xưa dùng để tráng miệng. Nguyên liệu chính của món chè tiến vua này là những quả nhãn lồng phố Hiến, loại nhãn có hương vị thơm quý phái, cùi dầy, ăn giòn, ngọt hơn bất cứ các loại nhãn nào khác.
Nhãn được trồng ở nhiều nơi nhưng nhãn bén duyên và nổi tiếng nhất trên đất Hưng Hưng Yên. Giống nhãn lồng Hưng Yên từ lâu đã có tiếng là thơm ngon, cùi nhãn lồng dày xếp hình dẻ quạt, khô mọng căng nước và hạt nhỏ, có vị thơm ngọt sắc sảo như đường phèn nên từng được tiến cung dâng vua.
Cũng vì vậy mà còn được gọi là "nhãn tiến vua". Phụ nữ Hưng Yên nổi tiếng là nấu món chè này thơm ngon. Nếu bạn ghé thăm chùa Hiến vào dịp mùa thu nhất định sẽ được thưởng thức món đặc sản này của người dân nơi đây.
Tương Bần
Từ xa xưa tương Bần Hưng Yên là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”.
Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương).
Tương Bần Hưng Yên có hương vị khó diễn giải. Cái vị ấy ẩn dưới độ sánh rất đậm đà, chìm trong vị ngọt ngon đặc trưng. Tương bần dùng để chấm rau luộc hay bánh đúc ngon tuyệt.
Bánh cuốn
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng.
Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô. Bát nước chấm thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm.
Gà Đông Tảo
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch.
Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào.
Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.
Giò bì
Nhắc đến đặc sản Hưng Yên, người ta sẽ nghĩ ngay đến món giò nổi tiếng - giò bì phố Xuôi. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc.
Bánh dày làng Gàu
Từ bao đời nay, bánh dày làng Gàu đã được xếp ngang với tương Bần. Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín.
Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát.
(Theo Gia đình & xã hội)