Bún đậu mắm tôm hút khách Sài Gòn
Nhiều tiểu thương TP HCM đang ăn nên làm ra nhờ món ăn dân dã có nguồn gốc từ Hà Nội.
Nhiều người tìm đến dùng thử chỉ để thỏa mãn trí tò mò nhưng đâm ghiền từ lúc nào chẳng hay. Cứ vào giờ ăn trưa hay chiều tối, các quán mang phong cách đặc trưng Hà Thành lại tấp nập khách ra vào.
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh (quận 1), quán bún đậu Cô Khàn do người mẫu Trang Trần làm chủ quá tải vào tầm 11-12h. Từng khuôn đậu nóng hổi liên tục ra lò nhưng không kịp phục vụ giới văn phòng, những người say mê ẩm thực Bắc. Có tới 60% lượng khách đến thưởng thức là người miền Nam.
Giá một phần bún đậu là 55.000 đồng. Ảnh: Thi Hà
Giá mỗi phần ăn dao động 25.000-55.000 đồng. Riêng chả cốm 15.000 đồng một cái.
Để món ăn thơm ngon, đậm đà hương vị Bắc và chinh phục giới sành ăn Sài Gòn, chị mua rau, chả cốm ở Hà Nội và vận chuyển bằng máy bay. Điều kiện thổ nhưỡng, mạch nước ở ngoài Bắc sẽ giúp rau thơm và đậm đà hơn. Nếu thay thế rau miền Nam, món này sẽ cho ra vị khác, khách sẽ cảm thấy không hài lòng.
Còn mắm tôm - gia vị chính làm nên khẩu vị riêng của món ăn được mang từ Thanh Hóa vào, đựng trong lọ gốm để đảm bảo vệ sinh và chất lượng. Chỉ có bún và đậu sản xuất ngay tại cửa hàng.
“Nhờ tự tay sản xuất bún và đậu nên hương vị của món này khác hẳn so với những quán khác, đồng thời, cũng giúp tôi tiết kiệm được phần nào chi phí”, chị Trang chia sẻ.
Sau 7 tháng kinh doanh bún đậu, lượng khách đến quán nhiều hơn. Hiện nay, chị mở rộng diện tích kinh doanh. Thay vì chỉ bán ở một chỗ như trước, giờ chị thuê thêm hai mặt bằng bên cạnh.
Quán bún đậu Homemade, đường Hồng Hà (quận Tân Bình) mới mở chưa tới nửa năm nhưng lúc nào cũng đông khách.
Anh Tú, chủ cửa hàng chia sẻ, hiện công việc chính của anh là tiếp viên hàng không. Trước đây do đam mê món bún đậu nên anh mở quán chỉ để thỏa mãn nhu cầu của mình, với ý định chính là nơi tụ tập bạn bè trong giới. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, lượng khách tăng lên đột biến. Hiện trung bình mỗi ngày quán có khoảng 500 lượt khách. Mỗi phần ăn đầy đủ có giá 55.000 đồng, các món khác dao động 30.000-45.000 đồng.
Không tiết lộ lợi nhuận nhưng anh Tú cho biết, sau một tháng kinh doanh đã đủ khả năng trang bị dàn máy lạnh dùng cho cửa hàng. 2 tháng gần đây anh mở rộng diện tích tầng 2 và trang bị thêm các vật dụng cần thiết.
“Khách ở đây có cả Nam cả Bắc. Lúc đầu tôi nhắm vào khách Bắc nhưng cũng khá bất ngờ vì đối tượng khách lại đa dạng, đủ mọi thành phần lứa tuổi. Thứ Bảy, Chủ nhật có nhiều gia đình cả ba thế hệ dẫn nhau tới quán ăn”, anh Tú cho biết.
Tuổi đời kinh doanh ngắn hơn 2 quán ăn trên, quán bún đậu mắm tôm Quang Gánh trên đường Trần Quang Diệu (quận 3) và quán trên đường D2 (quận Bình Thạnh) cũng không kém phần nhộn nhịp.
“Cứ từ 11h30-12h khách đến đông đến mức không có đủ bàn để ngồi, có những khách ăn quen cứ cách 3-4 ngày là quay lại một lần”, anh Dũng, chủ Quang Gánh chia sẻ.
Còn chị My, chủ cửa hàng trên đường D2 cũng cho biết từ khi mở quán đến nay chưa ngày nào dưới 100 khách. Hôm nay khách đến ăn món này, ngày mai họ lại đến ăn món khác.
Trước tình hình trên, nhiều chủ cửa hàng cho biết nếu tình hình thuận lợi, trong tương lai họ sẽ mở thêm nhiều quán để đem món bún đậu mắm tôm đến gần với người Sài Gòn và những tỉnh lân cận hơn.
Quán bún đậu Cô Khàn trên đường Cống Quỳnh lúc nào cũng đông nghẹt khách. Ảnh: Thi Hà
Chia sẻ về kinh nghiệm bán hàng, chị Trang cho biết bán giá bình dân là chiêu hút khách của chị. Tuy lãi ít nhưng nhiều người đến ăn sẽ bán được nhiều hơn, doanh thu do đó cũng tăng cao.
Bí quyết để món bún đậu ngon là đậu hũ tươi, mềm và thơm, mắm tôm chỉ nên dùng trong ngày. Thịt chân giò sau khi lọc xương thường rời ra nên cần bó lại bằng chỉ cho săn chắc, vị ngọt của thịt được lưu giữ nhiều hơn, khi thái không bị vỡ và nhìn đẹp mắt.
Còn anh Tú, chủ quán quận Tân Bình tiết lộ, để hút khách người bán cần chế biến món ăn có vị đặc trưng riêng và đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, không gian tại quán phải tạo cảm giác ấm cúng như bữa cơm gia đình. Đội ngũ nhân viên cần nhiệt tình và nồng hậu với khách.
theo vnexpress.net