Ẩm thực Việt Nam

5 món ngon dân dã mà khó quên của xứ Quảng

 

Mảnh đất miền Trung nắng gió gây nhớ thương bởi những món ngon tuy dân dã nhưng đậm đà, khó quên

1. Mì Quảng Phú Chiêm

Có thể nhiều người đã quen với những tô mì gà, sứa, thịt trứng to ụ sợi trắng tinh được bày bán trong các cửa tiệm sạch sẽ, nhưng với người Đà Nẵng, món mì quảng dân dã đúng điệu phải là mì quảng Phú Chiêm.

Mì Phú Chiêm thường được bày bán dọc đường, với đôi quang gánh một bên là nồi nước lèo một bên là mì rau cùng các đồ vật linh tinh. Một tô Phú Chiêm đặc trưng gồm rau sống, mì, tôm, sườn rim hoặc thịt heo, trứng cút thêm chút nước lèo và đậu phộng rang cùng bánh tráng bẻ nhỏ lên trên.

185 1
Cái đáng nói ở đây là nước lèo đậm màu hạt điều, khá mặn nên chỉ được chan 1 chút ở dưới đáy tô thôi nhưng cũng đủ làm nên hương vị của toàn bộ tô mì quảng. Ăn mì Phú Chiêm, người ta quen với những chiếc ghế đẩu, chiếc bàn nhựa, xì xụp ăn tô mì nóng hổi, lâu lâu vớ cắn một miếng ớt để vị cay thấm vào đầu lưỡi.

185 2
Nguồn: foody

2. Bún mắm nêm mặn mà

Bún mắm xứ Quảng hoàn toàn khác với bún mắm miền Tây. Không còn tôm mực thịt quay trong một tô đầy nước, bún mắm miền Trung là món khô, chủ yếu bún rau và thịt heo, mắm nêm chỉ chang vài muỗng.

185 3
Khi ăn, bạn thêm vào chút mắm nêm, ớt, tỏi, chanh...

Quay lại với tô bún mắm nêm, về cơ bản, một tô sẽ gồm rau sống, bún trắng, mít non và các phần khác nhau của con heo (mũi tai, thịt heo quay, thịt heo luộc,…). Hành được phi dầu thật thơm, thơm băm nát, tất cả đổ vào mắm nêm. Khi ăn, chỉ rưới một ít mắm nêm vào tô, và có thể ăn kèm với nem chả tùy thích.

185 4
Nguồn: yeudanang

3. Ốc hút cay xé miệng

Ai đã từng ăn ốc hút xứ Quảng mà chưa nước mắt nước mũi chảy ròng ròng thì vẫn chưa được ăn món đúng gốc. Ốc tại đây thường chỉ có vài loại, và tất cả đều được quy về cách chế biến ốc hút, chứ không đa dạng như các tỉnh khác. Tuy nhiên, đây cũng là điều khiến ốc hút miền Trung không lẫn vào đâu được.

185 5
Nguồn: danangcuisine

Những trời mưa bay bay gió lạnh mùa đông, ghé vào một sạp ốc hút, thấy khói bốc ra nghi ngút, chưa ăn mà nghe mùi ớt sả đã đặc quánh trong không khí. Ăn ốc hút không được ngại dơ, dùng tay không mà bốc ốc đưa lên miệng hút cái rột. Lâu lâu cắn vài lát dừa non, ăn vài miếng đu đủ bào.

185 6
Nguồn: yeudanang

Ốc hút tuy có thêm nước cốt dừa nhưng vị cay vẫn nồng hơn, khiến món ăn vừa cay vừa béo, hấp dẫn không thể cưỡng nổi. Vừa hút rột rột vừa tám chuyện với bạn bè, còn gì vui hơn được nữa.

4. Bánh tráng đập mắm nêm độc đáo

Vẫn là chén mắm nêm thần thánh như trên, nhưng lần này lại được sánh đôi cùng bánh tráng đập. Lá bánh tráng mỏng dính ngay sau khi lấy ra khỏi lò được kẹp giữa hai chiếc bánh tráng mè đen nướng, khiến chúng dính chặt vào nhau, tạo thành 1 chiếc bánh tráng đập. Bánh được bày trong chiếc dĩa nhựa, xếp thành từng chồng. Khi ăn, dùng một tay ấn thật mạnh xuống chồng bánh, tạo nên tiếng kêu rốp rốp vô cùng đã tai, rồi xé từng miếng bánh chấm mắm nêm.

185 7
Đây thường là món ăn vặt, ăn chơi những lúc xế chiều hoặc trong lúc chờ món chính dọn lên. Hãy thử cảm giác ngồi trên căn chòi dọc bờ sông Hoài của Hội An, gió thổi mát hây hây, tay bâng quơ cầm chiếc bánh tráng chấm vào chén mắm nêm và nếm vào đầu lưỡi cái vị đậm đà mặn mà của đất trời miền Trung, lúc ấy bạn mới thấy hết hương vị của món ăn này.

185 8
Cách làm bánh tráng đập mắm nêm - Nguồn: It's happened to be in Vietnam

5. Mít trộn tai heo gây nghiện

Món này là bạn đồng hành của ốc hút, đi đâu cũng thấy chúng với nhau. Mít non luộc chín, trộn với nước mắm chua ngọt, rau răm, ớt cay xứ Quảng, tai heo, đậu phộng. Khi ăn, lấy bẻ một miếng bánh tráng giòn rụm rồi xúc lên, chậm rãi nhai từng miếng để tận hưởng hết cảm giác đan xen trong miệng: vị giòn của bánh tráng, sực sực của tai heo, mềm bùi của tai heo, rồi cay ngọt của ớt tương đúng điệu miền Trung.

185 9
Nguồn:kenhdulich

Nghe công thức có vẻ đơn giản nhưng thực tế rất khó để bắt được đúng cái vị của món ăn này. Mít phải thật non, chỉ cần hơi chín vàng một chút thì khi nấu sẽ bị bở, mềm ngay. Ớt phải là cái hũ tương ớt miền Trung, đỏ au hơi sệt sệt. còn cả hạt. Khi nghiêng hũ thì dầu màu đỏ từ từ chảy ra. Vậy nên tuy món ăn đã du nhập vào miền Nam nhưng mấy ai nắm được cái thần của món ăn, sao chép được một cách vẹn nguyên. Chỉ khi nào ra miền Trung, ngồi ở quán lề đường, xúc từng miếng mít trộn tai heo, mới thấy thấm được hết hương vị của nó.

Theo Hạnh Nguyên/Trí thức trẻ