Những món ăn năm mới của người dân khắp châu Á
Ngày Tết nguyên đán đang cận kề với Việt Nam và một số nước châu Á khác. Trong không khí ngày Xuân, mỗi món ăn truyền thống đều được người dân gửi gắm với niềm tin về những điều may mắn, an lành để chào đón năm mới.
Tết Nguyên đán hay tết âm lịch là kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm với người dân tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi quốc gia khác nhau lại có những món ăn, phong tục riêng để chào đón năm mới. Dù khác biệt nhưng tất cả cùng có điểm chung đó là cầu cho một năm mới an lành, hạnh phúc.
Việt Nam
Mâm cơm ngày Tết của người Việt rất đa dạng tùy theo từng vùng miền, nhưng người miền Bắc không thể thiếu bánh chưng xanh, xôi gấc chín, trong khi đó ở miền nam lại là thịt kho hột vịt hay canh khổ qua…
Trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, bánh chưng vuông là sự quy tụ của trời đất, cũng là cách để con cháu nhớ ơn tới tổ tiên cội nguồn. Kể từ ý nghĩa này, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày tết của người Việt.
Trong khi đó, xôi gấc chín có màu đỏ cam tượng trưng cho sự may mắn, của cải đầy nhà. Nồi thịt kho hột vịt của người miền nam với màu nước kho vàng sóng sánh thể hiện sự đoàn viên, sung túc dồi dào và “màu mỡ” trong năm mới. Còn canh khổ qua nhồi thịt lại mang ngụ ý “mọi khổ đau sẽ qua”, cùng hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Trung Quốc
Giống như tên gọi, mỳ trường thọ là món mỳ tượng trưng cho lời chúc sức khỏe, sống thọ vào dịp đầu năm. Món mỳ chỉ có một sợi duy nhất chưa được cắt ra. Quan niệm Trung Hoa tin rằng chiều dài của sợi mỳ tượng trưng cho tuổi thọ.
Bữa tiệc đầu năm của người Hoa không thể thiếu cá. Trong tiếng Trung, phiên âm của từ cá là “Yu” đồng âm với sự dư dả tiền bạc, của cải. Món sủi cảo hấp cũng không thể thiếu trên bàn tiệc năm mới của người Hoa . Vào dịp cuối năm, mọi người trong gia đình lại quây quần cùng nhau nặn sủi cảo. Chúng có hình dáng gần giống nén bạc, mang ý nghĩa giàu có sung túc.
Nian gao – món bánh gạo nếp là món ăn truyền thống của người Hoa với ý nghĩa mong cho năm mới sung túc an khang. Loại bánh này làm từ gạo nếp dẻo trộn đường, hạt dẻ, quả chà là, có thể chế biến thành món mặn cho bữa chính, hoặc món tráng miệng nhân ngọt.
Hàn Quốc
Mâm cơm ngày tết của người Hàn thường có tới 20 món. Bên cạnh các món quen thuộc như canh rong biển, kim chi, nhất thiết phải có canh bánh gạo (Tteokguk). Đây là món ăn may mắn mà người Hàn muốn các thành viên trong nhà cũng như khách đến chơi được thưởng thức vào dịp đầu năm.
Canh bánh gạo được làm từ bánh gạo nếp thái mỏng thành thỏi, nấu cùng xương bò hầm, trứng, đậu phụ và rong biển. Truyền thống ăn canh bánh gạo vào đầu năm được coi là phong tục từ thời cổ đại. Bánh gạo trắng mềm tượng trưng cho thanh khiết, là điềm may mắn bắt đầu năm mới.
Nhật Bản
Dù người Nhật ngày nay đã đón tết Dương lịch như phương Tây và không còn tết cổ truyền nữa, nhưng người dân vẫn lưu lại các nghi thức phong tục theo truyền thống từ xa xưa.
Món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc đầu xuân đó là súp bánh dày ozoni. Bánh ozoni làm từ bột gạo nếp mềm dẻo, nấu cùng củ cải trắng, cà rốt, khoai môn để tạo thành món súp cổ truyền. Tuy nhiên, tùy từng vùng miền lại có cách chế biến súp ozoni khác nhau. Ở Tokyo, súp ozoni làm từ mocha nướng với thịt gà và cải bó xôi.
theo dantri